HP Banner
Vua diệt chuột

Vua diệt chuột – Báo Kinh tế, Đô thị

 

Bất luận ông Trần Quang Thiều cứ dặn đi dặn lại: “Tôi chỉ là nông dân chân lấm tay bùn; chú đừngbày đặt gọi nhà này nhà nọ”; thế nhưng tôi vẫn thích gọi ông là “nhà chuột học”, là tỉ phú mặc dù doanh thu của công ty diệt chuột mà ông đóng vai giám đốc chỉ đạt gần 400 triệu đồng/năm.



                                                         Bẫy chuột HTX 1999

Ông Thiều giới thiệu về chiếc bẫy chuột hình bán nguyệt đầy ưu việt của mình

Này nhé, theo các nghiên cứu khoa học, một con chuột trưởng thành, trong vòng đời một năm có thể sinh tới 80 chuột con, cứ 2 tháng lại có một thế hệ chuột tham gia sinh sản làm tỉ lệ gia tăng tự nhiên của chúng theo cấp số nhân; một đôi chuột có thể nhân lên trung bình 2.160 con/năm; mỗi con chuột gây thiệt hại ít nhất là 100 đồng/ngày; thế mà tính cho đến nay, sau 10 năm hành nghề, ông lão này đã diệt được gần chục triệu con chuột. Nếu không có ông, lũ giặc ấy cắn phá mùa màng chả hết đến cả trăm tỉ đồng là gì?

Cái khó ló cái khôn

Ông lão Trần Quang Thiều (sinh năm 1954), ở xóm 9, thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây dường như có duyên tiền định với loài chuột. Theo lời mẹ kể, ngày còn nằm nôi, có lần, bà mải chạy lúa tránh mưa nên bỏ mặc cậu nhóc đỏ hỏn ấy nằm tênh hênh giữa phản; xong việc, quay vào, bà tá hỏa khi thấy con mình đang vờn chú chuột nhắt từ xà nhà rơi xuống. Đến thời chăn trâu, cắt cỏ, cậu bé Thiều cũng có cái thú xách giỏ ra đồng truy tìm hang hốc của loài tí nơi bờ vùng bờ thửa của những cánh đồng ào ạt gió. Và bao giờ cậu cũng thu được nhiều chiến lợi phẩm hơn so với chúng bạn. Nhưng việc hành nghề diệt chuột một cách chuyên nghiệp thì chỉ đến với ông bắt đầu từ năm 2000.

Khi đó, nhờ mạnh dạn đưa giống lúa năng suất cao vào trồng trên đồng đất Bình Vọng, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Đội trưởng đội sản xuất số 9. Tuy nhiên, đúng thời điểm gieo mạ thì chuột bắt đầu hoành hành. Tính ra, mỗi mùa vụ, chúng phá hoại hơn 10% sản lượng lúa, hoa màu của dân làng. Không lẽ trí tuệ con người lại chịu bó tay trước loài chuột nhãi nhép? Sau bao đêm ngày trăn trở, ông Thiều quyết định lọc cọc đạp chiếc xe tà càng lên chợ thị trấn lùng mua các loại bẫy, thuốc diệt chuột. Nhưng hàng loạt bẫy, bả được ông rước về rồi kỳ công bài binh bố trận là thế mà cũng chỉ lừa được vài con chuột nhép. Cay mũi, ông phá tung đống bẫy ra rồi bỏ cả ngày ngồi mày mò nghiên cứu. Ông lại tha về cả mớ dây thép, gỗ, cao su… rồi ngày ngày kỳ cạch cắt, uốn, đục, đẽo. Sau hơn một tuần khổ hạnh, ông Thiều sáng chế ra loại bẫy chuột hình bán nguyệt với tính năng vượt trội: lực bật của lò xo mạnh, dây xâu quả đối trọng được uốn thành sợi có hai râu, không những giữ cho quả đối trọng luôn thăng bằng mà còn giúp bẫy rất nhạy (chuột chỉ đụng nhẹ vào thanh đối trọng là bẫy sập ngay lập tức) và khít (từ con chuột nhắt nhỏ như ngón tay út tới những con chuột cống nặng đến hơn 2kg, đã mắc bẫy là đều chịu nằm chết dí, cấm xoay sở được lấy một li).

“Có bẫy rồi, tôi lại phải mất hàng tháng trời, lăn lê bò toài khắp nơi để quan sát đường đi lối lại của loài chuột trên đồng ruộng, trên dây điện, ống nước, trên cây cối, tường nhà… Người ta cứ bảo khôn như chuột nhưng tôi phát hiện ra giống này ngu lắm, chỉ biết đi duy nhất một đường thôi. Cứ chịu khó nép người nhìn xuôi chiều ánh sáng là phát hiện ngay ra lối mòn do vết chân chúng để lại”, ông nhớ lại. Không chỉ vậy, bắt mấy con chuột về nuôi trong lồng để quan sát một thời gian, ông Thiều cũng phát hiện ra rằng loài giặc này rất thích ăn các loại ốc, nhái, giun đất và chỉ biết phân biệt mùi tanh của bùn (cứ thấy mùi này là tưởng thức ăn nên mò đến) chứ không phải như các nhà khoa học vẫn rao giảng rằng loài chuột rất thích mùi thơm và dạy bà con nông dân dùng thịt lợn, khoai tây, cá, nướng thơm nức lên để làm mồi bẫy. Phát hiện này thực sự là một bước đột phá bởi từ đó, ông Thiều sáng chế ra một kiểu mồi vô cùng đơn giản: lấy một miếng cao su to bằng bao diêm, bôi kín bùn lên bề mặt, phơi khô rồi xiên vào lưỡi móc của bẫy là bảo đảm vô tư lừa lũ chuột.

Vua diệt chuột giành giải nhất VIFOTEC 2010

                                                     Vua chuột và GS Lân Hùng

Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (VIFOTEC) lần thứ X – 2009, lão nông Trần Quang Thiều đã đoạt giải nhất ở lĩnh vực “Giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực khác” với đề tài Phương pháp và công cụ diệt các loài chuột hiệu quả bằng bẫy bán nguyệt, không cần mồi, trên mọi địa hình. Ngoài ra, ông còn được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong buổi lễ trao giải diễn ra vào tối 19-1-2010 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Hiện nay, “biệt đội” diệt chuột của ông Thiều đã có 50 thành viên, hưởng lương từ 3-4 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp Hướng dẫn và cung ứng bẫy diệt chuột Trần Quang Thiều có văn phòng ở Hà Nội, TPHCM và Tây Ninh, có hẳn trang web baychuot.com để thực hiện phương châm “Ở đâu có chuột ở đó có chúng tôi”. Ngoài hợp đồng diệt chuột thời vụ cho các làng quê, họ còn diệt chuột chuyên nghiệp cho những đối tác như các nhà máy bia: Đông Nam Á, Việt Hà, Sài Gòn, Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Ford Cẩm Giàng (Hải Dương)…


                                                    Diệt chuột Sân bay Nội Bài 

                                                         Diệt chuột nhà máy

Không những thế, ông Thiều còn thành lập và hỗ trợ kỹ thuật để duy trì hoạt động đều đặn, hiệu quả cho hơn 500.000 tổ diệt chuột ở hầu khắp các tỉnh thành phía Bắc. Ông cũng sản xuất và bán ra thị trường hơn 1 triệu chiếc bẫy bán nguyệt, viết thư hướng dẫn cách sử dụng bẫy, cách tìm và diệt chuột cho nhân dân ở hầu khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Nhà chuột học

Tôi mạo muội gọi thế vì thấy ông quá say mê nghiên cứu và hiểu biết thấu đáo về loài động vật này. “Đố chú biết con chuột có thể di chuyển tối đa bao nhiêu km?”. Không chờ cho tôi tắt hẳn nụ cười cầu an, ông nói tiếp: “Mất cả tháng trời quan sát, đo đạc kỹ lưỡng, tôi mới dám kết luận: quãng đường con chuột di chuyển nhiều nhất là 4km”, người đàn ông có vóc người nhỏ bé, nước da sạm đen vì nắng gió cười thật tươi để thêm gia vị cho lời khẳng định của mình.

Vất vả lắm ông Thiều mới sản xuất kịp bẫy để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường

Trong một hội thảo khoa học do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức, bàn biện pháp chống chuột phá hoại mùa màng, ông Thiều từng làm các chuyên gia đầu ngành phải dựng tóc gáy. Sau suốt 2 giờ nghe cả mớ lý thuyết của 7 nhà khoa học, tới lượt mình, ông nhỏ nhẹ: “Xin các vị thứ lỗi! Tôi chỉ là anh nông dân chân đất mắt toét nhưng qua kinh nghiệm thực tế, tôi chứng minh được là các vị toàn nói sai; hay nói đúng ra, kiến thức mà các vị đưa ra là kết quả nghiên cứu của những con chuột nuôi trong lồng kính, còn giống chuột vẫn ngày ngày phá hoại mùa màng thì khác”. Này nhé, lâu nay, các nhà nông học vẫn khăng khăng, chuột sợ mùi nên khi một con chết, những con khác phát hiện ra mùi sẽ không dám lại gần. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại. Bằng chứng là sau mỗi lần đánh, ông Thiều chẳng bao giờ cần nước xà phòng để rửa sạch mùi mà chiếc bẫy vẫn sát chuột.

Có người cự:

- Ông bảo diệt được cả chuột đang bơi ở dưới nước; thế cái bẫy bằng sắt thì đặt dưới nước kiểu gì?

Ông Thiều từ tốn:

- Báo cáo các bác, cái bẫy tuy bằng sắt nhưng tôi chỉ cần đóng cho nó cái đế bằng gỗ là tức khắc nó nổi lềnh bềnh được trên mặt nước thôi.

Lại có người lên tiếng:

- Thế làm sao ông diệt được con chuột đang leo trên ống nước, dây phơi?

- Tôi chỉ cần chẻ cái que tre thành chạc ba rồi hai thanh đỡ chiếc bẫy, thanh còn lại thì lấy băng dính đính vào bề mặt ống nước, dây phơi… là xong thôi mà. – Ông tự tin giảng giải…

Hội trường bặt những lời hạnh họe.

Cho đến giờ, ông Thiều đã in dấu chân ở khắp các tỉnh vùng Bắc bộ để diệt chuột. Mỗi ngày đàng ông đều thu thập được cả sàng kinh nghiệm. Ông cẩn thận ghi chép hết những kiến thức ấy để phục vụ cho cái nghiệp chuột chít của mình. Đến nay, gia tài của ông đã lên tới cả trăm trang, dày đặc chữ và hình vẽ. Cuốn cẩm nang ấy được ông tóm tắt thành “Công thức 8-6”: 8 cách quan sát quy luật hoạt động của chuột dựa vào dấu chân, đường chạy, cửa hang…; 6 cách đặt bẫy: đặt trên đường mòn, trên cây, trên dây phơi, trên mặt nước, trên mặt ruộng khô… Với kiến thức phong phú, kinh nghiệm thực tế và phương pháp thuyết trình ngắn gọn, dễ hiểu, đặc biệt là khiếu hài hước, ông Thiều cũng được Chương trình IBM quốc gia điều động “Trực tiếp đến các địa phương truyền đạt kinh nghiệm, tổ chức phong trào diệt chuột theo phương pháp cơ lý, bắt chuột không cần mồi”.


                                                          Bẫy chuột HTX 2000

Trong một cuộc hội thảo về bảo vệ thực vật, các chuyên gia Đan Mạch sau khi đọc tập giáo trình của ông Thiều đã vô cùng ngạc nhiên. Ông Patricia C.Matteson – Điều phối viên Chương trình quản lý dịch hại lúa tổng hợp liên quốc gia vùng Nam và Đông Nam Á của tổ chức nông – lương Liên hợp quốc (FAO) – thì ghì lấy ông Thiều mà thốt lên: “Đây là một nông dân kỳ lạ. Nếu gọi ông là một nhà khoa học về chuột thì cũng không quá lời…”. Còn nếu có dịp ghé thăm làng Bình Vọng, bạn sẽ thấy người dân từ ông lão phơ phơ tóc bạc đến đám trẻ mục đồng, ai cũng hào hứng kể về ông vua diệt chuột Trần Quang Thiều như một đặc sản. Và đấy mới là điều ông lão dễ mến này khoái chí.


                                    Tiếp đoàn Quốc Vụ Khanh Đan Mạch năm 2000

Nếu gọi ông là một nhà khoa học về chuột thì cũng không quá lời…

 

TIN TỨC DOANH NGHIỆP